Phối hợp thuốc hạ lipid máu nhằm giảm nguy cơ tim mạch
Hiện nay các thuốc nhóm statin được chỉ định rộng rãi trong cả phòng ngừa tiên phát lẫn phòng ngừa thứ phát các biến cố tim mạch [1,2].
TS Hồ Huỳnh Quang Trí
Viện Tim TP HCM
Tuy statin được xem là nền tảng của điều trị hạ lipid máu
nhằm giảm nguy cơ tim mạch, có một số tình huống mà dùng
statin đơn trị không đủ để đạt mục tiêu điều trị xét về tác
động trên các chỉ số lipid máu. Tình huống thứ nhất là không
đạt được LDL-C đích dù đã dùng statin liều cao. Tình huống này
có thể gặp nếu LDL-C khởi điểm của bệnh nhân rất cao, ví dụ
ở người tăng cholesterol gia đình. Tình huống thứ hai là không
đạt được LDL-C đích với statin liều trung bình và bệnh nhân
không dung nạp statin liều cao. Tình huống thứ ba là bệnh nhân
có rối loạn lipid máu hỗn hợp, ngoài tăng LDL-C TG cũng rất cao
kèm HDL-C thấp. Một câu hỏi được đặt ra là trong những tình
huống này, phối hợp thêm một thuốc hạ lipid máu ngoài statin
có giúp giảm (hơn nữa) nguy cơ tim mạch so với statin đơn trị hay
không. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn quan tâm đến phối hợp
thuốc vì muốn kiểm tra giả thuyết “càng thấp càng tốt” đối
với LDL-C đạt được trong quá trình điều trị (đặc biệt là cho
những người có nguy cơ tim mạch cao-rất cao như người bệnh đái
tháo đường kèm tổn thương cơ quan đích, người đã mắc bệnh tim
mạch do xơ vữa động mạch hay người bệnh thận mạn): Liệu phối
hợp một thuốc hạ lipid máu ngoài statin với statin để hạ thấp
LDL-C hơn nữa (dù đã đạt đích) có giúp giảm hơn nữa nguy cơ tim
mạch hay không?
CÁC PHỐI HỢP THUỐC KHÔNG HỮU ÍCH TRÊN LÂM SÀNG
Các thuốc hạ lipid máu ngoài statin đã được lưu hành gồm
fenofibrate, niacin, axít béo omega-3, ezetimibe và nhóm ức chế
PCSK9. Kết quả của các thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên
qui mô lớn cho thấy 3 thuốc đầu tiên không mang lại lợi ích lâm
sàng khi phối hợp với statin [3-6]. Nhóm ức chế CETP (cholesteryl
ester transfer protein) ban đầu được kỳ vọng nhiều nhưng sau đó
đã gây thất vọng cho y giới: Nghiên cứu ILLUMINATE với torcetrapib
và Dal-OUTCOMES với dalcetrapib cho thấy các thuốc này không
giảm nguy cơ tim mạch (bảng 1) [7,8]. Kết quả các nghiên cứu trên
bảng 1 nhắc nhở chúng ta là không nên dựa vào tiêu chí đánh
giá trung gian để xét lợi ích của một liệu pháp. Các thuốc
được nêu trên bảng 1 chỉ có hiệu ứng thẩm mỹ (tức là làm
“đẹp” kết quả xét nghiệm lipid máu) chứ không mang lại lợi ích
lâm sàng.
Bảng 1:Các nghiên cứu đánh giá lợi ích lâm sàng của thuốc hạ lipid máu ngoài statin.
Nghiên cứu
|
Đối tượng
|
Can thiệp
|
Tiêu chí đánh giá
|
Kết quả
|
ACCORD3
|
5518 bệnh nhân ĐTĐ týp 2 nguy cơ tim mạch cao
|
Fenofibrate vs placebo trên nền simvastatin
|
Chết do nguyên nhân tim mạch, NMCT, đột quị
|
2 nhóm không khác biệt
|
AIM-HIGH4
|
3414 người bệnh tim có HDL-C thấp (nam < 40 mg/dl, nữ < 50 mg/dl)
|
Niacin vs placebo trên nền simvastatin
|
Chết do bệnh mạch vành, NMCT, đột quị, tái tưới máu
|
2 nhóm không khác biệt
|
HPS2-THRIVE5
|
25 673 bệnh nhân nguy cơ tim mạch cao
|
Niacin-laropiprant vs placebo trên nền statin
|
Chết do bệnh mạch vành, NMCT, đột quị, tái tưới máu
|
2 nhóm không khác biệt
|
Alpha Omega Trial6
|
4837 bệnh nhân đã từng bị NMCT
|
EPA + DHA, ALA vs placebo trên nền statin
|
Các biến cố tim mạch nặng và can thiệp mạch vành
|
Các nhóm không khác biệt
|
ILLUMINATE7
|
15 067 bệnh nhân nguy cơ tim mạch cao
|
Torcetrapib vs placebo trên nền atorvastatin
|
Chết do bệnh mạch vành, NMCT, đột quị, nhập viện vì ĐTN không ổn định
|
Nhóm torcetrapib cao hơn nhóm placebo
|
Dal-OUTCOMES8
|
15 871 bệnh nhân mới bị hội chứng mạch vành cấp
|
Dalcetrapib vs placebo trên nền statin
|
Chết do bệnh mạch vành, NMCT, đột quị, ĐTN không ổn định, ngưng tim
|
2 nhóm không khác biệt
|
Ghi chú:ĐTĐ = đái tháo đường; NMCT = nhồi máu cơ tim; ĐTN = đau thắt ngực.
PHỐI HỢP EZETIMIBE VỚI STATIN
Sự xuất hiện của ezetimibe giúp các bác sĩ điều trị có
thêm một tiếp cận mới trong kiểm soát LDL-C. Ezetimibe là một
thuốc có tác dụng ngăn sự hấp thu ở ruột của cholesterol trong
thức ăn và mật qua cơ chế ức chế protein Niemann-Pick C1 Like 1
(NPC1L1) trong các tế bào biểu mô được bao phủ vi mao của hỗng
tràng. Phối hợp ezetimibe với statin hạ LDL-C rất mạnh vì tác
động qua cả 2 cơ chế: vừa ức chế hấp thu cholesterol ở ruột
vừa ngăn tổng hợp cholesterol ở gan.
Nghiên cứuđầu tiên chứng tỏ lợi ích lâm sàng của phối hợp
statin-ezetimibe là SHARP(Study of Heart and Renal Protection) [9].
SHARP là một thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên mù đôi
trên những người tuổi ≥ 40 có bệnh thận mạn (creatinin/huyết
thanh ≥ 1,7 mg/dl ở nam hoặc ≥ 1,5 mg/dl ở nữ). Bệnh nhân được
phân ngẫu nhiên cho dùng phối hợp simvastatin 20 mg + ezetimibe 10
mg/ngày hoặc placebo. Tiêu chí đánh giá chính là phối hợp các
biến cố: nhồi máu cơ tim (NMCT) không chết hoặc chết do bệnh
mạch vành, đột quị không phải dạng xuất huyết, thủ thuật hoặc
phẫu thuật tái tưới máu động mạch. Tổng cộng có 9270 người
được tuyển vào nghiên cứu, 4650 người được phân cho dùng phối
hợp simvastatin-ezetimibe và 4620 người được phân cho dùng placebo.
Tuổi trung bình của bệnh nhân là 61, nam giới chiếm tỉ lệ 62%,
15% có tiền sử bệnh tim mạch và 23% có đái tháo đường. Trị
số trung bình của LDL-C ban đầu là 2,77 mmol/l. 20% bệnh nhân có
lọc cầu thận < 15 ml/min/1,73 m2, 27% phải chạy thận
nhân tạo định kỳ và 6% được thẩm phân phúc mạc ngoại trú. Sau
thời gian theo dõi trung vị 4,9 năm, các nhà nghiên cứu nhận
thấy phối hợp simvastatin-ezetimibe hạ LDL 0,85 mmol/l và giảm 17%
(p = 0,0021) nguy cơ bị các biến cố tim mạch so với placebo. Đặc
biệt, phối hợp simvastatin-ezetimibe giúp giảm 28% (p = 0,0073)
đột quị dạng thiếu máu cục bộ và 27% (p = 0,0027) nhu cầu tái
tưới máu mạch vành. Tần suất các biến cố ngoại ý (bệnh cơ,
viêm gan, sỏi mật, ung thư) đều rất thấp và không khác biệt
giữa 2 nhóm [9].
Nghiên cứu bản lề giúp khẳng định vị trí của phối hợp
statin-ezetimibe trong phòng ngừa thứ phát các biến cố tim mạch
là IMPROVE-IT [10]. IMPROVE-IT là một thử nghiệm lâm sàng phân
nhóm ngẫu nhiên mù đôi trên 18 144 bệnh nhân mới nhập viện vì
hội chứng mạch vành cấp trong 10 ngày trước và có LDL-C trong
khoảng 50-100 mg/dl nếu đang dùng thuốc hạ lipid máu hoặc trong
khoảng 50-125 mg/dl nếu chưa dùng thuốc hạ lipid máu. Một số
đặc điểm ban đầu của bệnh nhân như sau: tuổi trung bình 63,6, nam
giới chiếm tỉ lệ 75,7%, tỉ lệ có đái tháo đường là 27,2%,
tỉ lệ NMCT cấp có ST chênh lên, NMCT cấp không ST chênh lên và đau
thắt ngực không ổn định lần lượt là 29%, 47% và 24%. Bệnh nhân
được phân ngẫu nhiên cho dùng phối hợp simvastatin 40 mg +
ezetimibe 10 mg/ngày hoặc simvastatin đơn trị 40 mg/ngày. Tiêu chí
đánh giá chính là phối hợp các biến cố: chết do nguyên nhân
tim mạch, NMCT không chết, đau thắt ngực không ổn định phải nhập
viện, tái tưới máu mạch vành (≥ 30 ngày sau khi phân nhóm ngẫu
nhiên) và đột quị không chết. Thời gian theo dõi trung vị là 6
năm. Kết quả IMPROVE-IT cho thấy LDL-C của nhóm
simvastatin-ezetimibe giảm còn 53,7 mg/dl (từ mức ban đầu 93,8
mg/dl) và của nhóm simvastatin đơn trị giảm còn 69,5 mg/dl (khác
biệt có ý nghĩa giữa 2 nhóm với p < 0,001). Điều quan trọng
là phối hợp simvastatin-ezetimibe giảm có ý nghĩa các biến cố
thuộc tiêu chí đánh giá chính so với simvastatin đơn trị (mức
giảm nguy cơ tuyệt đối 2%, p = 0,016). Bảng 2 biểu diễn kết quả
chi tiết của IMPROVE-IT. Tần suất các biến cố ngoại ý (bệnh
cơ, viêm gan, sỏi mật, ung thư) đều rất thấp và không khác biệt
giữa 2 nhóm [10].
Bảng 2:Kết quả IMPROVE-IT.
Biến cố
|
Simvastatin
đơn trị
|
Simvastatin-
ezetimibe
|
HR (KTC 95%)
|
P
|
TCĐG chính: chết do nguyên nhân tim mạch, biến cố mạch vành nặng hoặc đột quị không chết
|
34,7%
|
32,7%
|
0,936 (0,89-0,99)
|
0,016
|
Chết do mọi nguyên nhân, biến cố mạch vành nặng hoặc đột quị không chết
|
40,3%
|
38,7%
|
0,95 (0,90-1,00)
|
0,03
|
Chết do bệnh mạch vành, NMCT không chết, tái tưới máu mạch vành khẩn (≥ 30 ngày)
|
18,9%
|
17,5%
|
0,91 (0,85-0,98)
|
0,02
|
Chết do nguyên nhân tim mạch, NMCT không chết, nhập viện vì
ĐTN không ổn định, tái tưới máu ≥ 30 ngày hoặc đột quị không
chết
|
36,2%
|
34,5%
|
0,95 (0,90-1,00)
|
0,04
|
NMCT gây chết hoặc không
|
14,8%
|
13,1%
|
0,87 (0,80-0,95)
|
0,002
|
Ghi chú:HR = hazard ratio; KTC = khoảng tin cậy; TCĐG = tiêu chí đánh giá; NMCT = nhồi máu cơ tim; ĐTN = đau thắt ngực.
Năm 2010 một nhóm nhà nghiên cứu (Cholesterol Treatment
Trialists’ Collaboration) thực hiện một phân tích gộp số liệu
của 26 thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên đánh giá lợi
ích lâm sàng của việc hạ LDL-C bằng thuốc nhóm statin [11]. Kết
quả phân tích gộp cho thấy hạ LDL-C 1 mmol/l giúp giảm 22% (p
< 0,0001) các biến cố mạch máu nặng. Khi chồng kết quả của
IMPROVE-IT lên biểu đồ kết quả của phân tích gộp này, các nhà
nghiên cứu nhận thấy kết quả IMPROVE-IT rất phù hợp với kết
quả chung của phân tích gộp (hình 1).
Kết quả IMPROVE-IT một mặt chứng tỏ lợi ích lâm sàng và
tính an toàn của ezetimibe khi phối hợp với statin, mặt khác
củng cố giả thuyết “càng thấp càng tốt” đối với LDL-C đạt
được trong quá trình điều trị bệnh nhân nguy cơ cao-rất cao.

Hình 1:Đặt chồng kết quả của IMPROVE-IT lên biểu đồ về
mối tương quan giữa mức hạ LDL-C (tính bằng mmol/l) với mức
giảm nguy cơ biến cố mạch máu nặng trong phân tích gộp
Cholesterol Treatment Trialists’ Collaboration.
PHỐI HỢP THUỐC ỨC CHẾ PCSK9 VỚI STATIN
PCSK9 (Proprotein Convertase Subtilisin Kexin 9) là một protease
được tổng hợp ở gan, khi gắn vào thụ thể LDL của tế bào gan
thì sẽ cùng bị phân hủy trong lysosome, qua đó ngăn sự tái tạo
của thụ thể này. Các thuốc ức chế PCSK9 là những kháng thể
đơn dòng gắn kết và bất hoạt hóa PCSK9, nhờ đó bảo tồn số
lượng thụ thể LDL ở gan và tăng thải trừ LDL-C từ huyết tương
[12]. Hiện có 2 thuốc ức chế PCSK9 đã được FDA (Food and Drug
Administration – Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc Hoa Kỳ) cấp
phép lưu hành trong chỉ định điều trị tăng cholesterol gia đình
là alirocumab và evolocumab. Các thuốc này được dùng đường tiêm
dưới da, có tác dụng hạ LDL-C rất mạnh. Hiện chưa có dữ liệu
về hiệu quả ngừa biến cố tim mạch của các thuốc ức chế
PCSK9. Nghiên cứu GLAGOV (GLobal Assessment of Plaque ReGression with a
PCSK9 AntibOdy as Measured by IntraVascular Ultrasound) được công bố
mới đây cho thấy ở người bệnh mạch vành, evolocumab phối hợp
statin có hiệu quả ngăn sự tiến triển của mảng xơ vữa trong
động mạch vành mạnh hơn statin đơn trị [13].
CÁC HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ NÓI GÌ VỀ PHỐI HỢP THUỐC?
Năm 2016 nhóm chuyên gia thuộc Lực lượng đặc nhiệm về các văn
kiện đồng thuận lâm sàng (Task Force on Clinical Expert Consensus
Documents) của Trường môn Tim Hoa Kỳ (American College of Cardiology)
đưa ra hướng dẫn về việc dùng thuốc hạ lipid máu ngoài statin
nhằm giảm nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch (XVĐM) [14].
Theo hướng dẫn này, khi statin với liều tối đa bệnh nhân dung
nạp được không thể hạ LDL-C ≥ 50% so với ban đầu, phối hợp thêm
ezetimibe là lựa chọn đầu tiên cho các nhóm đối tượng sau: (1)
người có bệnh tim mạch do XVĐM ổn định đang dùng statin nhằm
mục đích phòng ngừa thứ phát; (2) người có bệnh tim mạch do
XVĐM và LDL-C nền ≥ 190 mg/dl không do một nguyên nhân thứ phát,
đang dùng statin nhằm mục đích phòng ngừa thứ phát; (3) người
không có bệnh tim mạch do XVĐM và có LDL-C nền ≥ 190 mg/dl không
do một nguyên nhân thứ phát, đang dùng statin nhằm mục đích
phòng ngừa tiên phát; (4) người tuổi 40-75 không có bệnh tim
mạch do XVĐM, có đái tháo đường và LDL-C nền 70-189 mg/dl, đang
dùng statin nhằm mục đích phòng ngừa tiên phát. Phối hợp thêm
một thuốc ức chế PCSK9 là lựa chọn hàng thứ hai (sau ezetimibe)
đối với nhóm đối tượng thứ nhất và là lựa chọn ngang hàng
với ezetimide đối với nhóm đối tượng thứ hai và thứ ba nếu
statin với liều tối đa dung nạp được không thể hạ LDL-C ≥ 50% so
với ban đầu. Ngoài ra, việc phối hợp thêm ezetimibe cũng nên
được xem xét cho người tuổi 40-75 không có bệnh tim mạch do XVĐM,
không có đái tháo đường, có LDL-C nền 70-189 mg/dl và xác suất
biến cố tim mạch nặng sau 10 năm ≥ 7,5%, nếu statin với liều
tối đa dung nạp được (nhằm mục đích phòng ngừa tiên phát) không
hạ được LDL-C ≥ 50% [14].
Trong hướng dẫn điều trị mới nhất 2017 của Hiệp hội Đái
tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA) có khuyến
cáo như sau: Nên dùng ezetimibe phối hợp với statin liều trung
bình cho những bệnh nhân đái tháo đường tuổi ≥ 40: (1) mới bị
hội chứng mạch vành cấp và có LDL-C ≥ 50 mg/dl, hoặc (2) có
tiền sử bệnh tim mạch do XVĐM và không dung nạp statin liều cao
[15].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Stone NJ, Robinson J, Lichtenstein AH, et al. 2013 ACC/AHA
Guideline on the treatment of blood cholesterol to reduce
atherosclerotic cardiovascular risk in adults: A report of the American
College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Practice
Guidelines. Circulation. Published online November 12, 2013.
2) Piepoli MF, Hoes AW, Agewall S, et al. 2015 European Guidelines on cardiovascular disease prevention in clinical practice. The Sixth Joint Task Force of the European Society of Cardiology and other societies on cardiovascular disease prevention in clinical practice. Eur Heart J. Published online May 23, 2016.
3) The ACCORD Study Group. Effects of combination lipid therapy in type 2 diabetes mellitus. N Engl J Med 2010;362:1563-1574.
4) The AIM-HIGH Investigators. Niacin in patients with low HDL cholesterol levels receiving intensive statin therapy. N Engl J Med 2011;365:2255-2267.
5) The HPS2-THRIVE Collaborative Group. Effects of extended-release niacin with laropiprant in high-risk patients. N Engl J Med 2014;371:203-212.
6) Daan Kromhout, Giltay EJ, Geleinjse JM, for the Alpha Omega Trial Group. n-3 fatty acids and cardiovascular events after myocardial infarction. N Engl J Med 2010;363:2015-2026.
7) Barter PJ, Caulfield M, Eriksson M, et al, for the ILLUMINATE Investigators. Effects of torcetrapib in patients at high risk for coronary events. N Engl J Med 2007;357:2109-2122.
8) Schwartz GG, Olsson AG, Abt M, et al, for the Dal-OUTCOMES Investigators. Effects of dalcetrapib in patients with a recent acute coronary syndrome. N Engl J Med 2012;367:2089-2099.
9) Baigent C, Landray MJ, Reith C, et al, on behalf of the SHARP Investigators. The effects of lowering LDL cholesterol with simvastatin plus ezetimibe in patients with chronic kidney disease (Study of Heart and Renal Protection): a randomised placebo-controlled trial. Lancet 2011;377:2181-2192.
10) Cannon CP, Blazing MA, Giugliano RP, et al, for the IMPROVE-IT Investigators. Ezetimibe added to statin therapy after acute coronary syndromes. N Engl J Med 2015;372:2387-2397.
11) Cholesterol Treatment Trialists (CTT) Collaboration. Efficacy and safety of more intensive lowering of LDL cholesterol: a meta-analysis of data from 170 000 participants in 26 randomised trials. Lancet 2010;376:1670-1681.
12) Seidah NG, Awan Z, Chretien M, Mbikay M. PCSK9: a key modulator of health. Circ Res 2014;114:1022-1036.
13) Nicholls SJ, Puri R, Anderson T, et al. Effectt of evolocumab on progression of coronary disease in statin-treated patients: The GLAGOV randomized clinical trial. JAMA 2016;316:2373-2384.
14) Lloyd-Jones DM, Morris PB, Ballantyne CM, et al. 2016 ACC Expert Consensus decision pathway on the role of non-statin therapies for LDL-cholesterol lowering in the management of atherosclerotic cardiovascular disease risk. J Am Coll Cardiol 2016;68:92-125.
15) American Diabetes Association. Cardiovascular disease and risk management. Diabetes Care 2017;40:S75-S87.
2) Piepoli MF, Hoes AW, Agewall S, et al. 2015 European Guidelines on cardiovascular disease prevention in clinical practice. The Sixth Joint Task Force of the European Society of Cardiology and other societies on cardiovascular disease prevention in clinical practice. Eur Heart J. Published online May 23, 2016.
3) The ACCORD Study Group. Effects of combination lipid therapy in type 2 diabetes mellitus. N Engl J Med 2010;362:1563-1574.
4) The AIM-HIGH Investigators. Niacin in patients with low HDL cholesterol levels receiving intensive statin therapy. N Engl J Med 2011;365:2255-2267.
5) The HPS2-THRIVE Collaborative Group. Effects of extended-release niacin with laropiprant in high-risk patients. N Engl J Med 2014;371:203-212.
6) Daan Kromhout, Giltay EJ, Geleinjse JM, for the Alpha Omega Trial Group. n-3 fatty acids and cardiovascular events after myocardial infarction. N Engl J Med 2010;363:2015-2026.
7) Barter PJ, Caulfield M, Eriksson M, et al, for the ILLUMINATE Investigators. Effects of torcetrapib in patients at high risk for coronary events. N Engl J Med 2007;357:2109-2122.
8) Schwartz GG, Olsson AG, Abt M, et al, for the Dal-OUTCOMES Investigators. Effects of dalcetrapib in patients with a recent acute coronary syndrome. N Engl J Med 2012;367:2089-2099.
9) Baigent C, Landray MJ, Reith C, et al, on behalf of the SHARP Investigators. The effects of lowering LDL cholesterol with simvastatin plus ezetimibe in patients with chronic kidney disease (Study of Heart and Renal Protection): a randomised placebo-controlled trial. Lancet 2011;377:2181-2192.
10) Cannon CP, Blazing MA, Giugliano RP, et al, for the IMPROVE-IT Investigators. Ezetimibe added to statin therapy after acute coronary syndromes. N Engl J Med 2015;372:2387-2397.
11) Cholesterol Treatment Trialists (CTT) Collaboration. Efficacy and safety of more intensive lowering of LDL cholesterol: a meta-analysis of data from 170 000 participants in 26 randomised trials. Lancet 2010;376:1670-1681.
12) Seidah NG, Awan Z, Chretien M, Mbikay M. PCSK9: a key modulator of health. Circ Res 2014;114:1022-1036.
13) Nicholls SJ, Puri R, Anderson T, et al. Effectt of evolocumab on progression of coronary disease in statin-treated patients: The GLAGOV randomized clinical trial. JAMA 2016;316:2373-2384.
14) Lloyd-Jones DM, Morris PB, Ballantyne CM, et al. 2016 ACC Expert Consensus decision pathway on the role of non-statin therapies for LDL-cholesterol lowering in the management of atherosclerotic cardiovascular disease risk. J Am Coll Cardiol 2016;68:92-125.
15) American Diabetes Association. Cardiovascular disease and risk management. Diabetes Care 2017;40:S75-S87.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét