Điểm lại 10 sự kiện đáng lưu ý năm 2017 trong Tim mạch học
Tim mạch học là một lĩnh vực đang phát triển mạnh với nhiều thông tin mới xuất hiện liên tục. Trong năm 2017, y giới đã chứng kiến hàng loạt kết quả nghiên cứu lâm sàng mới về tim mạch học được công bố cũng như nhiều hướng dẫn điều trị do các hội/tổ chức chuyên khoa đưa ra.
TS HỒ HUỲNH QUANG TRÍ
Viện Tim TP.HCM
Bài báo dưới đây đề cập đến 10 hướng dẫn và nghiên cứu mà
theo ý kiến riêng của người viết chọn lọc, là những sự kiện
đáng lưu ý nhất năm 2017 do có tiềm năng ảnh hưởng quan trọng
đối với thực hành tim mạch học.
1- Hướng dẫn 2017 của Mỹ về phòng ngừa, phát hiện, đánh giá và xử trí tăng huyết áp ở người trưởng thành:
Hướng dẫn này do Trường Môn Tim và Hiệp hội Tim Hoa Kỳ cùng
với một số hội/tổ chức có liên quan đưa ra trong tháng 11/2017,
có nhiều thay đổi căn bản so với các hướng dẫn điều trị tăng
huyết áp trước đây [1]. Ngưỡng huyết áp dùng để định nghĩa
tăng huyết áp không còn là 140/90 mm Hg mà là 130/80 mm Hg. Có 3
loại (category) huyết áp ở người trưởng thành là huyết áp
bình thường (normal blood pressure), huyết áp tăng (elevated blood
pressure) và tăng huyết áp (hypertension). Tăng huyết áp được phân
thành 2 giai đoạn (stage) là 1 và 2. Bảng 1 so sánh phân loại
huyết áp theo JNC 7 (2003) và theo hướng dẫn 2017. Hướng dẫn 2017
đặc biệt chú trọng đến việc phát hiện tăng huyết áp áo
choàng trắng lẫn tăng huyết áp ẩn giấu ở người chưa dùng
thuốc và việc tầm soát tăng huyết áp thứ phát. Về điều trị,
hướng dẫn 2017 khuyến cáo dùng thuốc kết hợp với thay đổi lối
sống cho tất cả bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn 2 và cho
những bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn 1 có bệnh tim mạch do xơ
vữa động mạch trên lâm sàng hoặc có nguy cơ tim mạch 10 năm ≥10%
(nguy cơ tim mạch 10 năm được ước tính theo Pooled Cohort Equations
do Trường Môn Tim và Hiệp hội Tim Hoa Kỳ đưa ra năm 2013). Mục
tiêu huyết áp cần đạt là <130/80 mm Hg (thay vì <140/90 mm
Hg như trước đây).
Bảng 1: So sánh phân loại huyết áp (mm Hg) theo JNC 7 và hướng dẫn 2017.
HA tâm thu
|
|
HA tâm trương
|
JNC 7
|
Hướng dẫn 2017
|
<120
|
và
|
<80
|
HA bình thường
|
HA bình thường
|
120-129
|
và
|
80-89
|
Tiền tăng HA
|
HA tăng
|
130-139
|
hoặc
|
80-89
|
Tiền tăng HA
|
Tăng HA giai đoạn 1
|
140-159
|
hoặc
|
90-99
|
Tăng HA giai đoạn 1
|
Tăng HA giai đoạn 2
|
≥160
|
hoặc
|
≥100
|
Tăng HA giai đoạn 2
|
Tăng HA giai đoạn 2
|
Một nhóm nhà nghiên cứu Mỹ đã phân tích số liệu điều tra
toàn quốc NHANES (National Health and Nutrition Examination Survey)
2011-2014 (n = 9623) để đánh giá ảnh hưởng của việc áp dụng
hướng dẫn 2017 trên dân số Hoa Kỳ [2]. Kết quả phân tích cho
thấy nếu áp dụng hướng dẫn 2017, tần suất lưu hành tăng huyết
áp trong dân số người trưởng thành Hoa Kỳ là 45,6% (so với 31,9%
nếu dựa vào JNC 7), tỉ lệ phải dùng thuốc điều trị tăng
huyết áp là 36,2% (so với 34,3% nếu dựa vào JNC 7) và trong số
những người Mỹ trưởng thành đang dùng thuốc điều trị tăng
huyết áp có 53,4% có huyết áp cao hơn mục tiêu cần đạt nên
phải tăng liều thuốc hoặc phối hợp thêm thuốc (so với 39% nếu
dựa vào JNC 7). Ước tính chung có 103,3 triệu người Mỹ trưởng
thành bị tăng huyết áp theo hướng dẫn 2017, trong đó 81,9 triệu
người phải dùng thuốc điều trị tăng huyết áp [2].
2- Hướng dẫn cập nhật có trọng điểm 2017 của Mỹ về xử trí suy tim:
Hướng dẫn do Trường Môn Tim, Hiệp hội Tim và Hội Suy tim Hoa Kỳ đưa
ra năm 2017 có một phần riêng về các chỉ điểm sinh học trong
suy tim [3]. Phần này có những khuyến cáo chính sau đây: (1) Ở
bệnh nhân có nguy cơ cao mắc suy tim, việc tầm soát bằng BNP
hoặc NT-proBNP kèm với chăm sóc nội khoa tối ưu có thể hữu ích
trong việc ngăn ngừa sự xuất hiện rối loạn chức năng (tâm thu
hoặc tâm trương) của thất trái hoặc suy tim mới mắc (class IIa);
(2) Ở bệnh nhân đến khám vì khó thở, đo BNP hoặc NT-proBNP là
hữu ích nhằm chẩn đoán hoặc loại trừ suy tim (class I); (3) Đo
BNP hoặc NT-proBNP là hữu ích nhằm xác định tiên lượng hoặc
mức độ nặng của bệnh trong suy tim mạn (class I); (4) Đo BNP hoặc
NT-proBNP và troponin tim lúc nhập viện là hữu ích nhằm xác
định tiên lượng trong suy tim cấp mất bù (class I); (5) Ở bệnh
nhân nhập viện vì suy tim, đo BNP hoặc NT-proBNP trước khi xuất
viện có thể hữu ích nhằm xác định tiên lượng sau xuất viện
(class IIa). Qua những khuyến cáo vừa nêu có thể thấy hướng dẫn
2017 rất coi trọng vai trò của các chỉ điểm sinh học trong
chẩn đoán và tiên lượng suy tim.
Về điều trị, hướng dẫn 2017 Mỹ có bổ sung phần cập nhật như sau: Ở
những bệnh nhân suy tim tâm thu mạn có triệu chứng NYHA II hoặc III
dung nạp được một thuốc ức chế men chuyển hoặc một thuốc chẹn thụ thể
angiotensin, việc thay thế các thuốc này bằng sacubitril-valsartan được
khuyến cáo nhằm giảm hơn nữa tì lệ bệnh tật và tử vong (khuyến cáo class
I) [3]. Sacubitril-valsartan (còn có tên là LCZ696) là một phức hợp
muối gồm hai nửa (với tỉ lệ mol 1:1) mà cả hai nửa này đều có hoạt
tính. Nửa thứ nhất là sacubitril là một tiền chất, sau khi được uống vào
cơ thể sẽ chuyển thành LBQ657 là một chất ức chế neprilysin. Nửa thứ
hai là valsartan là một thuốc chẹn thụ thể angiotensin, ngăn chặn tác
dụng của angiotensin II trên các thụ thể AT1. Lợi ích của
sacubitril-valsartan trong điều trị suy tim tâm thu mạn đã được
chứng minh một cách rất thuyết phục trong thử nghiệm lâm sàng
PARADIGM-HF [4]. Hướng dẫn 2017 cũng lần đầu tiên công nhận vị
trí của ivabradine trong điều trị suy tim mạn với chỉ định như
sau: Ivabradine có thể có lợi trong việc giảm nhập viện vì suy
tim ở những bệnh nhân suy tim tâm thu (EF ≤35%) mạn ổn định có
triệu chứng (NYHA II-III) đang được điều trị nội khoa tối ưu, bao
gồm một thuốc chẹn bêta dùng với liều tối đa dung nạp được,
và có nhịp xoang với tần số tim lúc nghỉ ≥70/phút (class IIa)
[3].
3- Lợi ích và tính an toàn của việc hạ LDL-C xuống rất thấp:
Evolocumab là một kháng thể đơn dòng có tác dụng ức chế
PCSK9 (proprotein convertase subtilisin-kexin type 9) và hạ LDL-C
mạnh. Trong thử nghiệm lâm sàng FOURIER, 27.564 người có bệnh tim
mạch do xơ vữa động mạch (tiền sử nhồi máu cơ tim, đột quị
hoặc bệnh động mạch ngoại vi) có LDL-C ≥70 mg/dl và đang dùng
statin được phân ngẫu nhiên cho dùng evolocumab (140 mg tiêm dưới da
mỗi 2 tuần hoặc 420 mg tiêm dưới da mỗi tháng) hoặc placebo [5].
Tiêu chí đánh giá (TCĐG) chính là phối hợp các biến cố nhồi
máu cơ tim (NMCT), đột quị, nhập viện vì đau thắt ngực không ổn
định và tái tưới máu mạch vành. Kết quả FOURIER cho thấy sau
48 tuần điều trị, LDL-C của nhóm evolocumab giảm 59% (P <
0,001) so với của nhóm placebo, từ mức 92 mg/dl xuống còn 30
mg/dl. Sau thời gian theo dõi trung vị 2,2 năm, các nhà nghiên cứu
nhận thấy evolocumab giảm có ý nghĩa các biến cố thuộc TCĐG
chính so với placebo: 9,8% so với 11,3%; HR 0,85 (KTC 95% 0,79 đến
0,92; P < 0,001). Lợi ích của evolocumab được thể hiện cả ở
phân nhóm có tứ phân vị của LDL-C khởi điểm thấp nhất (trung
vị 74 mg/dl). Tần suất các biến cố ngoại ý của 2 nhóm
evolocumab và placebo không khác biệt.
Tại Hội nghị khoa học thường niên của Hội Tim Châu Âu tổ
chức tại Barcelona (26-30/8/2017), các tác giả FOURIER đã báo
cáo kết quả phân tích bổ sung số liệu của nghiên cứu này [6].
Kết quả phân tích cho thấy có mối tương quan tuyến tính rõ rệt
giữa mức LDL-C đạt được sau 4 tuần với nguy cơ bị các biến cố
thuộc TCĐG chính và nếu lấy phân nhóm có LDL-C đạt được sau 4
tuần ≥100 mg/dl làm chuẩn so sánh thì phân nhóm có LDL-C đạt
được sau 4 tuần <20 mg/dl có nguy cơ thấp hơn 24% (KTC 95% 10%
đến 36%). Đặc biệt, các tác giả FOURIER còn báo cáo kết quả
phân tích trên 504 bệnh nhân dùng evolocumab có LDL-C sau 4 tuần
đạt mức rất thấp (<10 mg/dl): So với những bệnh nhân có LDL-C
đạt được sau 4 tuần ≥100 mg/dl, những người này có nguy cơ bị
các biến cố thuộc TCĐG chính thấp hơn 31% (P = 0,03) và tần
suất các biến cố ngoại ý tương đương.
Kết quả nghiên cứu FOURIER đã xác nhận lợi ích và tính an
toàn của việc hạ LDL-C xuống rất thấp ở những người có bệnh
tim mạch do xơ vữa động mạch.
4- Liệu pháp kháng viêm ở người có tiền sử nhồi máu cơ tim:
Interleukin-1βlà một cytokine có vị trí trung tâm trong phản
ứng viêm, theo đường tín hiệu interleukin-6. Canakinumab là một
kháng thể đơn dòng người có tác dụng ức chế interleukin-1βvà
được dùng điều trị một số bệnh viêm (bao gồm viêm khớp dạng
thấp). Vì viêm đóng vai trò quan trọng trong bệnh sinh của huyết
khối xơ vữa, các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi là liệu
canakinumab có ngăn ngừa được các biến cố tim mạch nặng ở
người có huyết khối xơ vữa rõ rệt trên lâm sàng, cụ thể là
người có tiền sử NMCT hay không.
Nghiên cứu CANTOS được thiết kế nhằm trả lời cho câu hỏi này
[7]. CANTOS là một thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên mù
đôi trên 10.061 bệnh nhân có tiền sử NMCT và hsCRP ≥2 mg/l. Bệnh
nhân được phân ngẫu nhiên cho dùng canakinumab (50 mg, 150 mg hoặc
300 mg tiêm dưới da mỗi 3 tháng) hoặc placebo. TCĐG chính là phối
hợp các biến cố NMCT không chết, đột quị không chết hoặc chết
do nguyên nhân tim mạch. Sau thời gian theo dõi trung vị 3,7 năm,
nhóm nghiên cứu báo cáo tần suất các biến cố ở 2 nhóm
canakinumab 150 mg và 300 mg thấp hơn có ý nghĩa so với nhóm
placebo (bảng 2). Canakinumab 150 mg còn giảm có ý nghĩa (17%; P =
0,005) phối hợp các biến cố thuộc TCĐG chính cộng với tái
tưới máu khẩn vì đau thắt ngực không ổn định. Tại Hội nghị
khoa học thường niên 2017 của Hội Tim Châu Âu, nhóm tác giả
CANTOS đã báo cáo kết quả phân tích bổ sung số liệu của nghiên
cứu này: Canakinumab liều 300 mg giảm 51% (P = 0,0009) nguy cơ
chết do ung thư nói chung, giảm 67% (P = 0,00008) nguy cơ mắc ung
thư phổi và 77% (P = 0,0002) nguy cơ chết do ung thư phổi [8]. Kết
quả CANTOS rất đáng lưu ý vì lần đầu tiên có một liệu pháp
hữu ích trong cả huyết khối xơ vữa lẫn ung thư là 2 đại dịch
của nhân loại hiện nay.
Bảng 2:Tần suất NMCT không chết, đột quị không chết hoặc chết do nguyên nhân tim mạch trong nghiên cứu CANTOS.
|
Placebo
|
Canakinumab TDD mỗi 3 tháng
|
||
50 mg
( n = 2170)
|
150 mg
(n = 2284)
|
300 mg
(n = 2263)
|
||
Tần suất (/100 bệnh nhân-năm)
|
4,5
|
4,1
|
3,9
|
3,9
|
HR
|
1,0
|
0,93
|
0,85
|
0,86
|
KTC 95%
|
(referent)
|
0,80-1,07
|
0,74-0,98
|
0,75-0,99
|
P
|
(referent)
|
0,30
|
0,021
|
0,031
|
5- Liệu pháp ức chế Xa trong phòng ngừa thứ phát bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch:
Nghiên cứu ATLAS ACS2-TIMI 51 công bố năm 2012 cho thấy ở người
mới bị hội chứng mạch vành cấp, thuốc ức chế Xa rivaroxaban
trên nền kháng tiểu cầu kép (aspirin + clopidogrel) giảm 16% (P =
0,008) các biến cố tim mạch nặng [9]. Từ kết quả thuận lợi
này, các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi: “Ở người bệnh tim mạch
do xơ vữa động mạch ổn định, rivaroxaban đơn trị hoặc phối hợp
aspirin có giảm biến cố tim mạch nặng nhiều hơn aspirin đơn
trị?”. Nghiên cứu COMPASS được thiết kế nhằm trả lời cho câu
hỏi này [10]. COMPASS là một thử nghiệm lâm sàngphân nhóm ngẫu
nhiên, mù đôi, đa quốc gia với đối tượng là 27.395 người có
bệnh mạch vành ổn định và/hoặc bệnh động mạch ngoại vi ổn
định (Loại trừ: nguy cơ chảy máu cao, đột quị dưới 1 tháng,
tiền sử đột quị dạng xuất huyết hoặc dạng lỗ khuyết, suy tim
nặng với EF <30% hoặc triệu chứng NYHA III-IV, eGFR <15
ml/min, phải dùng thuốc kháng tiểu cầu kép hoặc thuốc chống
đông uống). Bệnh nhân được phân cho dùng phối hợp rivaroxaban (2,5
mg x 2/ngày) + aspirin (100 mg/ngày) hoặc rivaroxaban đơn trị (5 mg
x 2/ngày) hoặc aspirin đơn trị (100 mg/ngày). TCĐG chính là phối
hợp các biến cố chết do nguyên nhân tim mạch, đột quị hoặc
NMCT. Sau thời gian theo dõi trung bình 23 tháng, nhóm nghiên cứu
nhận thấy phối hợp rivaroxaban + aspirin giảm có ý nghĩa các
biến cố thuộc TCĐG chính và tử vong do mọi nguyên nhân so với
aspirin đơn trị (bảng 3). Phối hợp rivaroxaban + aspirin có tăng
chảy máu nặng so với aspirin đơn trị nhưng không tăng chảy máu
gây chết và chảy máu nội sọ (bảng 4). COMPASS mở ra triển vọng
mới trong điều trị chống huyết khối xơ vữa bằng phối hợp một
thuốc chống Xa với một thuốc kháng tiểu cầu.
Bảng 3:So sánh hiệu quả của các chiến lược điều trị trong COMPASS.
|
R + A
|
R
|
A
|
R + A so với A
|
R so với A
|
||
|
N = 9152
|
N = 9117
|
N = 9126
|
HR
(95% CI)
|
P
|
HR
(95% CI)
|
P
|
Tử vong tim mạch, đột quị, NMCT
|
379
(4,1%)
|
448
(4,9%)
|
496
(5,4%)
|
0,76
(0,66-0,86)
|
<0,0001
|
0,90
(0,79-1,03)
|
0,12
|
Tử vong do mọi nguyên nhân
|
313
(3,4%)
|
366
(4,0%)
|
378
(4,1%)
|
0,82
(0,71-0,96)
|
0,01
|
0,97
(0,84-1,12)
|
0,67
|
Ghi chú:R = rivaroxaban; A = aspirin.
Bảng 4:So sánh tính an toàn của các chiến lược điều trị trong COMPASS.
|
R + A
|
R
|
A
|
R + A so với A
|
R so với A
|
||
|
N = 9152
|
N = 9117
|
N = 9126
|
HR
(95% CI)
|
P
|
HR
(95% CI)
|
P
|
Chảy máu nặng
|
288
(3,1%)
|
255
(2,8%)
|
170
(1,9%)
|
1,70
(1,40-2,05)
|
<0,0001
|
1,51
(1,25-1,84)
|
<0,01
|
Chảy máu gây chết
|
15
(0,2%)
|
14
(0,2%)
|
10
(0,1%)
|
1,49
(0,67-3,33)
|
0,32
|
1,40
(0,62-3,15)
|
0,41
|
Chảy máu nội sọ không chết
|
21
(0,2%)
|
32
(0,4%)
|
19
(0,2%)
|
1,10
(0,59-2,04)
|
0,77
|
1,69
(0,96-2,98)
|
0,07
|
Ghi chú:R = rivaroxaban; A = aspirin.
6- Bảo vệ tim mạch cho bệnh nhân đái tháo đường týp 2 với thuốc ức chế SGLT2:
Nghiên cứu EMPA-REG OUTCOME công bố năm 2015 cho thấy thuốc ức
chế SGLT2 empagliflozin giảm 14% (P = 0,04) các biến cố tim mạch
nặng, 32% (P <0,001) tử vong do mọi nguyên nhân và 35% (P =
0,002) nhập viện vì suy tim ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ)
týp 2 có bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch [11]. Đến năm 2017
lại có nghiên cứu CANVAS được công bố, cho thấy một thuốc ức
chế SGLT2 khác là canagliflozin cũng mang lại lợi ích cho bệnh
nhân ĐTĐ týp 2 có nguy cơ tim mạch cao [12]. CANVAS là một thử
nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên, mù đôi, đa quốc gia trên
đối tượng là 10.142 bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có nguy cơ tim mạch cao
(65,6% có tiền sử bệnh tim mạch). Bệnh nhân được phân ngẫu nhiên
cho dùng canagliflozin (100 mg/ngày hoặc 300 mg/ngày) hoặc
placebo. Sau thời gian theo dõi trung bình 188 tuần, các tác giả
CANVAS ghi nhận điều trị bằng canagliflozin giảm 14% (P = 0,02)
nguy cơ chết do nguyên nhân tim mạch, NMCT không chết hoặc đột quị
không chết và giảm 33% (P < 0,05) nguy cơ nhập viện vì suy tim
[12].
Kết quả thuận lợi của EMPA-REG OUTCOME và CANVAS làm liên
tưởng đến một “hiệu lực chung” (class effect) của nhóm ức chế
SGLT2 trong bảo vệ tim mạch cho bệnh nhân ĐTĐ týp 2 nguy cơ cao.
Tuy nhiên cần lưu ý là trong CANVAS canagliflozin không giảm tử
vong do mọi nguyên nhân và còn làm tăng có ý nghĩa nguy cơ đoạn
chi dưới và nguy cơ gãy xương (Trong EMPA-REG OUTCOME tần suất các
biến cố ngoại ý này không tăng ở bệnh nhân dùng empagliflozin).
7- Lợi ích của can thiệp mạch vành qua da trong đau thắt ngực ổn định: Nghiên cứu ORBITA:
Mục tiêu chính của can thiệp mạch vành qua da trong đau thắt
ngực ổn định là cải thiện triệu chứng. Theo hướng dẫn của
các hội chuyên khoa, can thiệp mạch vành qua da được chỉ định
khi bệnh nhân vẫn còn triệu chứng dù đã được điều trị nội
khoa đầy đủ [13]. Tuy nhiên cho đến gần đây chưa có chứng cứ về
hiệu quả của can thiệp mạch vành qua da trong đau thắt ngực ổn
định từ một thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên, mù đôi.
ORBITA là một thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên, mù
đôi trên bệnh nhân đau thắt ngực ổn định có hẹp nặng (≥70%) một
động mạch vành [14]. Sau khi được chọn vào nghiên cứu, bệnh
nhân được điều trị nội khoa tối ưu trong 6 tuần, sau đó được
đánh giá bằng nghiệm pháp gắng sức và bằng các bảng câu hỏi
triệu chứng (Seattle Angina Questionnaire – SAQ và EuroQol 5
dimensions – EQ-5D-5L). Tất cả bệnh nhân được đưa vào phòng thông
tim, được gây mê nhẹ, chụp mạch vành, đo FFR và iFR, sau đó được
phân ngẫu nhiên vào nhóm can thiệp mạch vành qua da (tất cả
đều được đặt stent phủ thuốc) hoặc nhóm chứng (gây mê nhẹ được
duy trì ít nhất 15 phút, các ca-tê-te động mạch vành được rút
ra mà không thực hiện bất cứ một thủ thuật can thiệp nào). 6
tuần sau bệnh nhân được đánh giá lại bằng nghiệm pháp gắng
sức và các bảng câu hỏi triệu chứng. TCĐG chính là khác biệt
về mức tăng thời gian gắng sức giữa 2 nhóm. Từ 230 bệnh nhân
được chọn ban đầu, có 200 người được đưa vào giai đoạn phân
ngẫu nhiên (105 người được can thiệp mạch vành qua da và 95
người nhóm chứng). Kết quả ORBITA cho thấy không có khác biệt
có ý nghĩa về mức tăng thời gian gắng sức giữa 2 nhóm (hiệu
số nhóm can thiệp trừ cho nhóm chứng là 16,6 giây, KTC 95% -8,9
đến 42,0 giây, p = 0,2). Các thay đổi điểm SAQ và EQ-5D-5L của 2
nhóm cũng không khác biệt. Nhóm tác giả ORBITA kết luận là ở
bệnh nhân đau thắt ngực ổn định có hẹp nặng một động mạch
vành được điều trị nội khoa đầy đủ, can thiệp mạch vành qua da
không tăng thời gian gắng sức và cũng không cải thiện triệu
chứng nhiều hơn so với thủ thuật “giả”. Nghiên cứu này chứng
minh tầm quan trọng của hiệu ứng placebo trong y khoa và sự cần
thiết của việc dùng không chỉ “giả” dược mà còn cả thủ thuật
“giả” để xác định lợi ích của một liệu pháp.
8- Can thiệp mạch vành qua da trong nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng sốc tim: Nghiên cứu CULPRIT-SHOCK:
Ở bệnh nhân NMCT cấp có biến chứng sốc tim, tái thông sớm
động mạch vành thủ phạm giúp cải thiện tiên lượng của bệnh
nhân. Tuy nhiên đa số bệnh nhân sốc tim có tổn thương nhiều động
mạch vành và việc có nên can thiệp các động mạch vành không
thủ phạm hay không vẫn còn là điều tranh cãi. CULPRIT-SHOCK là
một thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên, nhãn mở trên 706
bệnh nhân NMCT cấp biến chứng sốc tim có tổn thương nhiều động
mạch vành [15]. Bệnh nhân được phân vào một trong 2 nhóm: nhóm
chỉ can thiệp động mạch vành thủ phạm (với lựa chọn là can
thiệp các tổn thương không thủ phạm sau đó) hoặc nhóm can thiệp
ngay trên tất cả các động mạch vành có hẹp ≥70% đường kính
(kể cả các chỗ tắc hoàn toàn mạn tính). TCĐG chính là phối
hợp các biến cố chết hoặc suy thận nặng phải điều trị thay
thế thận trong vòng 30 ngày sau khi phân nhóm ngẫu nhiên. Kết
quả CULPRIT-SHOCK cho thấy so với nhóm can thiệp ngay trên tất cả
các động mạch vành có hẹp đáng kể, nhóm chỉ can thiệp động
mạch vành thủ phạm có tần suất các biến cố thuộc TCĐG chính
thấp hơn có ý nghĩa (45,9% so với 55,4%; RR 0,83; P = 0,01) và
đặc biệt là tử vong thấp hơn có ý nghĩa (RR 0,84; P = 0,03). Ở
nhóm chỉ can thiệp động mạch vành thủ phạm, lượng thuốc cản
quang được dùng ít hơn và thời gian thủ thuật ngắn hơn. Điều
này có thể phần nào giải thích kết quả của CULPRIT-SHOCK. Kết
luận về mặt thực hành rút ra từ nghiên cứu này như sau: Ở
bệnh nhân NMCT cấp biến chứng sốc tim có tổn thương nhiều động
mạch vành, cần can thiệp ngay động mạch vành thủ phạm trong
thì đầu. Đối với các tổn thương không thủ phạm, nên cá thể
hóa cách tiếp cận: Chỉ xem xét can thiệp nếu thủ thuật dễ
làm, không mất thêm nhiều thời gian.
9- Thay van động mạch chủ qua ca-tê-te ở bệnh nhân có nguy cơ phẫu thuật trung gian: Nghiên cứu SURTAVI:
Thay van động mạch chủ (ĐMC) qua ca-tê-te được xem là một giải
pháp thay thế chấp nhận được cho phẫu thuật thay van ĐMC ở
người bệnh hẹp van ĐMC nặng có nguy cơ phẫu thuật cao. Đối với
người bệnh hẹp van ĐMC nặng có nguy cơ phẫu thuật trung gian, cho
đến gần đây chưa có dữ liệu so sánh kết quả của 2 biện pháp
can thiệp này. Nghiên cứu SURTAVI là một thử nghiệm lâm sàng
phân nhóm ngẫu nhiên được thiết kế nhằm so sánh kết cục lâm
sàng của thay van ĐMC qua ca-tê-te và phẫu thuật thay van ĐMC ở
người bệnh hẹp van ĐMC nặng (diện tích lỗ van <0,6 cm2/m2
và độ chênh áp trung bình qua van >40 mm Hg lúc nghỉ hoặc khi
truyền dobutamin ở bệnh nhân có phân suất tống máu thất trái
<55%) có nguy cơ phẫu thuật trung gian (xác suất tử vong trong
30 ngày theo thang điểm STS-PROM từ 3% đến 15%) [16]. TCĐG chính
là tử vong do mọi nguyên nhân hoặc đột quị gây tàn phế sau 24
tháng. Tổng cộng 1660 bệnh nhân (tuổi trung bình 79,8 ± 6,2) được
phân ngẫu nhiên vào nhóm thay van qua ca-tê-te hoặc nhóm phẫu
thuật. Kết quả SURTAVI cho thấy tần suất các biến cố thuộc
TCĐG chính là 12,6% ở nhóm thay van qua ca-tê-te và 14,0% ở nhóm
phẫu thuật (khác biệt không có ý nghĩa thống kê). Tỉ lệ tổn
thương thận cấp, rung nhĩ và truyền máu ở nhóm phẫu thuật cao
hơn, bù lại tỉ lệ hở van ĐMC tồn lưu và phải đặt máy tạo
nhịp tim ở nhóm thay van qua ca-tê-te cao hơn (25,9% bệnh nhân nhóm
thay van qua ca-tê-te và 6,6% bệnh nhân nhóm phẫu thuật phải đặt
máy tạo nhịp vĩnh viễn). Khảo sát bằng siêu âm tim sau 2 năm
cho thấy so với bệnh nhân nhóm phẫu thuật, bệnh nhân nhóm thay
van qua ca-tê-te có độ chênh áp trung bình qua van thấp hơn (7,8 mm
Hg so với 11,8 mm Hg) và diện tích lỗ van ĐMC nhân tạo lớn hơn
(2,2 cm2 so với 1,7 cm2). Không có trường hợp nào bị thoái hóa cấu trúc van sau 24 tháng.
Từ kết quả SURTAVI có thể rút ra kết luận là ở bệnh nhân
hẹp van ĐMC nặng có nguy cơ phẫu thuật trung gian, thay van ĐMC qua
ca-tê-te là một giải pháp thay thế không thua kém phẫu thuật
thay van ĐMC (dĩ nhiên là thủ thuật phải được thực hiện tại
một Trung tâm có nhiều kinh nghiệm). Mỗi biện pháp can thiệp có
thể có những biến chứng riêng.
10- So sánh van nhân tạo cơ học và sinh học ở vị trí van động mạch chủ và van hai lá:
Trong phẫu thuật thay van tim nhân tạo ở vị trí van ĐMC hoặc
van 2 lá, các bác sĩ phẫu thuật viên có thể dùng van cơ học
hoặc van sinh học. Van cơ học có ưu điểm là thời gian sử dụng
dài và nhược điểm là cần điều trị chống đông thường trực
(kèm theo đó là nguy cơ huyết khối thuyên tắc và nguy cơ chảy
máu). Van sinh học có ưu điểm là chỉ cần điều trị chống đông
trong 3 tháng đầu và nhược điểm là thời gian sử dụng có giới
hạn. Theo các hướng dẫn hiện hành, van cơ học được khuyến cáo
ưu tiên cho người dưới 50 tuổi, van sinh học được khuyến cáo ưu
tiên cho người trên 70 tuổi, còn trong khoảng 50 đến 70 tuổi loại
van nào cũng dùng được [17]. Tuy nhiên các hướng dẫn này đặt
cơ sở trên những nghiên cứu có cỡ mẫu nhỏ và sử dụng những
kiểu van nhân tạo cũ hiện đã không còn lưu hành.
Một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford đã phân tích
dữ liệu của những bệnh nhân được thay van ĐMC hoặc thay van 2 lá
tại 142 bệnh viện thuộc bang California (Hoa Kỳ) từ 1/1/1996 đến
31/12/2013 nhằm đánh giá ảnh hưởng của loại van (cơ học hay
sinh học) trên tử vong và tần suất đột quị, chảy máu và mổ
lại [18]. Bệnh nhân được phân tầng theo nhóm tuổi:45 đến 54 tuổi
và 55 đến 64 tuổi đối với bệnh nhân thay van ĐMC; 40 đến 49
tuổi, 50 đến 69 tuổi và 70 đến 79 tuổi đối với bệnh nhân thay
van 2 lá. Tổng cộng có 9942 bệnh nhân thay van ĐMC và 15.503 bệnh
nhân thay van 2 lá được đưa vào nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu ghi
nhận tỉ lệ dùng van sinh học tăng rõ rệt từ năm 1996 đến năm
2013: từ 11,5% lên 51,6% đối với phẫu thuật thay van ĐMC và từ
16,8% lên 53,7% đối với phẫu thuật thay van 2 lá. Ở bệnh nhân
được thay van ĐMC, dùng van sinh học có liên quan với tăng có ý
nghĩa tử vong sau 15 năm so với dùng van cơ học trong nhóm tuổi
45-54 (bảng 5). Ở bệnh nhân được thay van 2 lá, dùng van sinh học
có liên quan với tăng có ý nghĩa tử vong sau 15 năm so với dùng
van cơ học trong nhóm tuổi 40-49 và 50-59 (bảng 6). Tần suất mổ
lại ở bệnh nhân được thay van sinh học (cả vị trí van ĐMC lẫn
vị trí van 2 lá) cao hơn có ý nghĩa so với ở bệnh nhân được
thay van cơ học, đặc biệt ở những bệnh nhân nhóm tuổi trẻ hơn.
Bù lại, tần suất chảy máu ở bệnh nhân được thay van sinh học
thấp hơn có ý nghĩa so với ở bệnh nhân được thay van cơ học.
Tần suất đột quị ở bệnh nhân được thay van ĐMC sinh học thấp
hơn so với ở bệnh nhân được thay van ĐMC cơ học trong nhóm tuổi
45-54. Tần suất đột quị ở bệnh nhân được thay van 2 lá sinh học
thấp hơn so với ở bệnh nhân được thay van 2 lá cơ học trong
nhóm tuổi 50-69.
Từ kết quả nghiên cứu này, có thể rút ra kết luận là nên
ưu tiên chọn van cơ học cho bệnh nhân trẻ hơn (dưới 55 tuổi đối
với phẫu thuật thay van ĐMC và dưới 70 tuổi đối với phẫu thuật
thay van 2 lá) nhằm kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ mổ lại.
Cái giá phải trả khi dùng van cơ học là nguy cơ chảy máu cao
hơn và nguy cơ đột quị cao hơn trong một số nhóm tuổi.
Bảng 5: Khác biệt về tử vong giữa bệnh nhân được thay van ĐMC sinh học và cơ học.
Biến
|
Bệnh nhân tuổi 45-54
|
Bệnh nhân tuổi 55-64
|
||||
Van sinh học
|
Van cơ học
|
P
|
Van sinh học
|
Van cơ học
|
P
|
|
Tử vong sau 15 năm (%)
|
30,6
|
26,4
|
0,03
|
36,1
|
32,1
|
0,60
|
HR hiệu chỉnh (KTC 95%)
|
1,28
(1,08-1,53)
|
Reference
|
0,005
|
1,11
(0,98-1,25)
|
Reference
|
0,12
|
Bảng 6: Khác biệt về tử vong giữa bệnh nhân được thay van 2 lá sinh học và cơ học.
Biến
|
Bệnh nhân tuổi 40-49
|
Bệnh nhân tuổi 50-69
|
Bệnh nhân tuổi 70-79
|
||||||
Van sinh học
|
Van cơ học
|
P
|
Van sinh học
|
Van cơ học
|
P
|
Van sinh học
|
Van cơ học
|
P
|
|
Tử vong sau 15 năm (%)
|
44,1
|
27,1
|
<0,001
|
50,0
|
45,3
|
0,01
|
78,3
|
77,3
|
0,97
|
HR hiệu chỉnh (KTC 95%)
|
1,86
(1,45-2,38)
|
Ref
|
<0,001
|
1,17
(1,07-1,28)
|
Ref
|
<0,001
|
1,01
(0,94-1,08)
|
Ref
|
0,86
|
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) 2017 Guideline for the prevention, detection, evaluation, and
management of high blood pressure in adults. A report of the American
College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical
Practice Guidelines. J Am Coll Cardiol 2017;
DOI:10.1016/j.jacc.2017.11.004.
2) Muntner P, Carey RM, Gidding S, et al. Potential US population impact of the 2017 American College of Cardiology/American Heart Association High Blood Pressure Guideline. J Am Coll Cardiol 2017; DOI:10.1016/j.jacc.2017.10.073.
3) Yancy CW, Jessup M, Bozkurt B, et al. 2017 ACC/AHA/HFSA Focused Update of the 2013 ACCF/AHA Guideline for the management of heart failure: A report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines and the Heart Failure Society of America. J Am Coll Cardiol 2017;Apr 28:[Epub ahead of print].
4) McMurray JJV, Packer M, Desai AS, et al, for the PARADIGM-HF Investigators and Committees. Angiotensin-neprilysin inhibition versus enalapril in heart failure. N Engl J Med 2014;371:993-1004.
5) Sabatine MS, Giugliano RP, Keech AC, et al, for the FOURIER Steering Committee and Investigators. Evolocumab and clinical outcomes in patients with cardiovascular disease. N Enlg J Med 2017;376:1713-1722.
6) Giugliano RP, Perdersen TR, Keech AC, et al, for the FOURIER Steering Committee and Investigators. ESC 2017 Clinical Trial Update I. August 28 2017.
7) Ridker PM, Everett BM, Thuren T, et al, for the CANTOS Trial Group. Antiinflammatory therapy with canakinumab for atherosclerotic disease. N Engl J Med 2017;377:1119-1131.
8) Ridker PM. Antiinflammatory therapy with canakinumab for atherosclerotic disease. ESC 2017 Clinical Trial Update I. August 28 2017.
9) Mega JL, Braunwald E, Wiviott SD, et al, for the ATLAS ACS 2-TIMI 51 Investigators. N Engl J Med 2012;366:9-19.
10) Eikelboom JW, Connolly SJ, Bosch J, et al, for the COMPASS Investigators. Rivaroxaban with or without aspirin in stable cardiovascular disease. N Engl J Med 2017;377:1319-1330.
11) Zinman B, Wanner C, Lachin JM, for the EMPA-REG OUTCOME Investigators. Empagliflozin, cardiovascular outcomes, and mortality in type 2 diabetes. N Engl J Med 2015;373:2117-2128.
12) Neal B, Perkovic V, Mahaffey KW, et al, for the CANVAS Program Collaborative Group. Canagliflozin and cardiovascular and renal events in type 2 diabetes. N Engl J Med 2017;377:644-657.
13) Windecker S, Kohl P, Alfonso F, et al. 2014 ESC/EACTS guidelines on myocardial revascularization. Eur J Cardiothorac Surg 2014;46:517-592.
14) Al-Lamee R, Thompson D, Dehbi HM, et al, on behalf of the ORBITA Investigators. Percutaneous coronary intervention in stable angina (ORBITA): a double-blind, randomised controlled trial. Lancet. Published November 2, 2017.
15) Thiele H, Akin I, Fuernau G, et al, for the CULPRIT-SHOCK Investigators. PCI strategies in patients with acute myocardial infarction and cardiogenic shock. N Engl J Med 2017;377:2419-2432.
16) Reardon MJ, Van Mieghem NM, Popma JJ, et al, for the SURTAVI Investigators. Surgical or transcatheter aortic-valve replacement in intermediate-risk patients. N Engl J Med 2017;376:1321-1331.
17) Nishimura RA, Otto CM, Bonow RO, et al. 2017 AHA/ACC focused update on the 2014 AHA/ACC guideline for the management of patients with valvular heart disease: a report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines. J Am Coll Cardiol 2017;70:252-289.
18) Goldstone AB, Chiu P, Baiocchi M, et al. Mechanical or biologic prostheses for aortic-valve and mitral-valve replacement. N Engl J Med 2017;377:1847-1857.
2) Muntner P, Carey RM, Gidding S, et al. Potential US population impact of the 2017 American College of Cardiology/American Heart Association High Blood Pressure Guideline. J Am Coll Cardiol 2017; DOI:10.1016/j.jacc.2017.10.073.
3) Yancy CW, Jessup M, Bozkurt B, et al. 2017 ACC/AHA/HFSA Focused Update of the 2013 ACCF/AHA Guideline for the management of heart failure: A report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines and the Heart Failure Society of America. J Am Coll Cardiol 2017;Apr 28:[Epub ahead of print].
4) McMurray JJV, Packer M, Desai AS, et al, for the PARADIGM-HF Investigators and Committees. Angiotensin-neprilysin inhibition versus enalapril in heart failure. N Engl J Med 2014;371:993-1004.
5) Sabatine MS, Giugliano RP, Keech AC, et al, for the FOURIER Steering Committee and Investigators. Evolocumab and clinical outcomes in patients with cardiovascular disease. N Enlg J Med 2017;376:1713-1722.
6) Giugliano RP, Perdersen TR, Keech AC, et al, for the FOURIER Steering Committee and Investigators. ESC 2017 Clinical Trial Update I. August 28 2017.
7) Ridker PM, Everett BM, Thuren T, et al, for the CANTOS Trial Group. Antiinflammatory therapy with canakinumab for atherosclerotic disease. N Engl J Med 2017;377:1119-1131.
8) Ridker PM. Antiinflammatory therapy with canakinumab for atherosclerotic disease. ESC 2017 Clinical Trial Update I. August 28 2017.
9) Mega JL, Braunwald E, Wiviott SD, et al, for the ATLAS ACS 2-TIMI 51 Investigators. N Engl J Med 2012;366:9-19.
10) Eikelboom JW, Connolly SJ, Bosch J, et al, for the COMPASS Investigators. Rivaroxaban with or without aspirin in stable cardiovascular disease. N Engl J Med 2017;377:1319-1330.
11) Zinman B, Wanner C, Lachin JM, for the EMPA-REG OUTCOME Investigators. Empagliflozin, cardiovascular outcomes, and mortality in type 2 diabetes. N Engl J Med 2015;373:2117-2128.
12) Neal B, Perkovic V, Mahaffey KW, et al, for the CANVAS Program Collaborative Group. Canagliflozin and cardiovascular and renal events in type 2 diabetes. N Engl J Med 2017;377:644-657.
13) Windecker S, Kohl P, Alfonso F, et al. 2014 ESC/EACTS guidelines on myocardial revascularization. Eur J Cardiothorac Surg 2014;46:517-592.
14) Al-Lamee R, Thompson D, Dehbi HM, et al, on behalf of the ORBITA Investigators. Percutaneous coronary intervention in stable angina (ORBITA): a double-blind, randomised controlled trial. Lancet. Published November 2, 2017.
15) Thiele H, Akin I, Fuernau G, et al, for the CULPRIT-SHOCK Investigators. PCI strategies in patients with acute myocardial infarction and cardiogenic shock. N Engl J Med 2017;377:2419-2432.
16) Reardon MJ, Van Mieghem NM, Popma JJ, et al, for the SURTAVI Investigators. Surgical or transcatheter aortic-valve replacement in intermediate-risk patients. N Engl J Med 2017;376:1321-1331.
17) Nishimura RA, Otto CM, Bonow RO, et al. 2017 AHA/ACC focused update on the 2014 AHA/ACC guideline for the management of patients with valvular heart disease: a report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines. J Am Coll Cardiol 2017;70:252-289.
18) Goldstone AB, Chiu P, Baiocchi M, et al. Mechanical or biologic prostheses for aortic-valve and mitral-valve replacement. N Engl J Med 2017;377:1847-1857.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét